Đau họng do vi-rút và vi khuẩn
Đau họng thường do nhiễm trùng; hoặc vi-rút hoặc vi khuẩn. Khoảng 80% các trường hợp đau họng do nhiễm vi-rút và chỉ 20% do nhiễm vi khuẩn.
25-05-2023
Đau họng thường do nhiễm trùng ; hoặc vi-rút hoặc vi khuẩn. Khoảng 80% các trường hợp đau họng do nhiễm vi-rút và chỉ 20% do nhiễm vi khuẩn.
Bốn sự thật cần biết về nhiễm vi-rút và vi khuẩn
1. Hầu họng tiếp xúc với hàng ngàn vi-rút lây nhiễm có trong không khí mà chúng ta hít thở
2. Các vi-rút điển hình bao gồm rhinovirus, vi-rút cúm, vi-rút corona và vi-rút hợp bào hô hấp (RSV)
3. Do hầu hết các trường hợp đau họng gây ra bởi vi-rút, sử dụng kháng sinh để điều trị là không hiệu quả và có thể góp phần giúp các vi sinh vật phát triển đề kháng với bất kỳ điều trị nào
4. Vi khuẩn phổ biến nhất gây đau họng là Streptococci nhóm A (GAS, 15-30% các trường hợp); điều này phổ biến hơn ở trẻ em và em bé
Khi chúng ta hít vào vi-rút và vi khuẩn, chúng có thể xuyên qua hàng rào chất nhầy bảo vệ và làm lây nhiễm chất nhầy của hầu họng. Các mầm bệnh sau đó sinh sôi và làm tổn thương các mô vùng họng, dẫn đến viêm và đau họng. Tình trạng viêm này làm cho họng và khoang hầu bị đỏ, co thắt và kích thích.
Hiểu được sự khác biệt giữa nhiễm vi-rút và vi khuẩn
Đau họng do nhiễm vi-rút và vi khuẩn có nhiều triệu chứng chung, nên rất khó xác định nguyên nhân, và do đó điều trị. Hầu hết đau họng (80%) là do vi-rút gây ra và tự khỏi trong vòng 3 đến 5 ngày.
Các triệu chứng phổ biến nhất của đau họng do nhiễm vi-rút và vi khuẩn là:
• Khó nuốt
• Cảm giác kim châm trong họng
• Khô họng
• Sưng hạch bạch huyết (có thể sờ thấy những hạch này ở hõm giữa cổ và xương hàm)
Bạn không thể tự mình chẩn đoán nhiễm trùng do vi khuẩn. Để tìm hiểu xem bạn có bị nhiễm trùng do vi khuẩn hay không, hãy tư vấn với bác sĩ. Cần đặc biệt cẩn thận với trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 14, vì số liệu thống kê cho thấy trẻ có nhiều khả năng bị nhiễm trùng do vi khuẩn.
Để phân biệt giữa nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc vi-rút, bác sĩ có thể thực hiện một xét nghiệm nhanh bằng cách phết họng. Điều này sẽ giúp xác định quá trình điều trị tốt nhất.
Điều trị nhiễm trùng họng do vi-rút và vi khuẩn
Điều trị nhiễm vi-rút
Nhiễm vi-rút chủ yếu do hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại. Điều này có nghĩa là chỉ có thể điều trị các triệu chứng. Nghỉ ngơi và các biện pháp tại nhà, chẳng hạn như trà thảo dược, chườm nóng và các phương pháp điều trị tại chỗ như viên ngậm và thuốc xịt họng rất hữu ích trong việc điều trị nhiễm trùng họng do vi-rút.
Các sản phẩm khử trùng cũng sẽ giúp chống lại các mầm bệnh. Các viên ngậm chứa hoạt chất kháng khuẩn 2,4-dichlorobenzyl alcohol và amylmetacresol giúp làm giảm và điều trị các triệu chứng của đau họng. Nếu họng bạn quá đau và xuất hiện triệu chứng viêm, viên ngậm chứa hoạt chất kháng viêm như flubiprofen có tác dụng kháng viêm, giảm đau, giảm sưng.
Điều trị nhiễm vi khuẩn
Nhiễm trùng do vi khuẩn nhẹ có thể được điều trị tương tự vì hệ thống miễn dịch của cơ thể thường có thể tự chống lại vi khuẩn.
Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc kháng sinh (loại thuốc được phát triển đặc biệt để chống lại vi khuẩn). Hãy dựa vào sự đánh giá đúng của bác sĩ và đừng yêu cầu dùng thuốc kháng sinh. Nếu bạn đã được chỉ định một liệu trình kháng sinh, hãy sử dụng chúng một cách có trách nhiệm bằng cách hoàn tất liệu trình.
Sử dụng kháng sinh không thích hợp thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn kháng thuốc và các vi sinh vật có khả năng đa kháng thuốc (chẳng hạn như MRSA).
Ngăn ngừa đau họng
Những bước bạn có thể làm để tăng cường hệ thống miễn dịch của mình và giảm nguy cơ bị đau họng như:
• Chế độ ăn uống cân bằng với nhiều loại trái cây và rau quả
• Có một giấc ngủ ngon – hầu hết mọi người cần từ 7 đến 9 giờ
• Tập thể dục thường xuyên, tốt nhất là ở ngoài trời
• Cố gắng tránh căng thẳng hoặc tìm cách quản lý căng thẳng
• Không hút thuốc lá – chủ động hoặc thụ động
• Uống nhiều nước giúp họng được bôi trơn
• Khi ở trong nhà; tránh gió lùa và môi trường máy lạnh nếu có thể, và sử dụng máy tạo độ ẩm
Tài liệu tham khảo
1. https://www.nhs.uk/conditions/sore-throat/
2. Ebell MH, et al. JAMA 2000;284:2912–8